Các diễn biến chính Trận_Białystok–Minsk

3 giờ 30 phút sáng 22 tháng 6 năm 1941, trước khi triển khai các hoạt động tấn công ồ ạt của lục quân, không quân Đức Quốc xã đã thực hiện hàng nghìn trận ném bom trên toàn tuyến biên giới Liên Xô cũng như các thành phố lớn, các trung tâm chỉ huy, các đầu mối giao thông đường sắt và đường bộ, cầu cống, các bến phà, các sân bay, các đường liên lạc hữu tuyến. Đòn phủ đầu bằng các trận oanh tạc bất ngờ đã làm cho các đường dây thông tin liên lạc bị gián đoạn ở nhiều nơi khiến hệ thống chỉ huy của Phương diện quân Tây nhanh chóng rơi vào trạng thái mất kiểm soát đối với các đơn vị cấp dưới.[9]

8 giờ sáng 22 tháng 6, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô xác nhận:

  • Không quân Đức đã tấn công dữ dội vào các sân bay chính ở các quân khu biên giới, gây tổn hại nghiêm trọng về máy bay, nhất là các máy bay chưa kịp cất cánh và sơ tán về các sân bay dã chiến.
  • Nhiều thành phố, các căn cứ hải quân, các đầu mối đường sắt bị đánh bom.
  • Các trận đánh ác liệt đã diễn ra trên toàn tuyến biên giới nhưng nhiều đơn vị bộ binh trên tuyến đầu đã không kịp chiếm lĩnh các khu vực cố thủ và buộc phải chiến đấu trong hành tiến.
  • Trọng điểm tấn công của quân Đức đang nhằm vào các Quân khu đặc biệt Miền Tây và Kiev.[10]

Chiến sự tại khu vực Grodno - Białystok - Brest

Diễn biến chiến sự tại khu vực Białystok - Grodno - Brest trong tuần đầu chiến dịch

Ngày 22 tháng 6

3 giờ 45 phút, lục quân Đức đồng loạt triển khai tấn công sau các trận pháo kích. "Chỗ lồi" tại khu vực biên giới Xô-Đức với trung tâm phòng ngự Białystok trở thành một nơi lý tưởng cho đòn hợp vây của quân Đức. Trên tuyến phòng thủ ở giữa của Phương diện quân Tây còn trong trạng thái tương đối yên tĩnh, chỉ có những trận công kích nhỏ của tập đoàn quân số 2 (Đức) nhằm kìm chân tập đoàn quân 10 của Liên Xô. Nhưng tại hai bên sườn phía Bắc và phía Nam Białystok (các khu vực Grodno và Brest), hai tập đoàn quân 3 và 4 thuộc Phương diện quân Tây đều bị 2 tập đoàn quân xe tăng và 2 tập đoàn quân bộ binh Đức tấn công ồ ạt.

Ở cánh bắc, chủ lực của tập đoàn quân xe tăng 3 và tập đoàn quân 9 (Đức) không đột kích thẳng vào Grodno mà vòng qua phía Bắc khu phòng thủ này để tấn công vào chỗ tiếp giáp hiểm yếu giữa Tập đoàn quân 3 (thuộc Phương diện quân Tây) và Tập đoàn quân 11 (thuộc Phương diện quân Tây Bắc).Hai quân đoàn xe tăng Đức đã tạo được 2 cửa mở. Quân đoàn xe tăng 39 (Tập đoàn quân xe tăng 3) và Quân đoàn bộ binh 6 (Tập đoàn quân 9) phối hợp tấn công vào Alytus tạo cửa mở thứ nhất. Quân đoàn xe tăng 57 (Tập đoàn quân xe tăng 3) đánh chiếm đầu cầu Merkine tạo cửa mở thứ 2. Trên hướng Grodno, quân đoàn bộ binh 8 (Tập đoàn quân 9) chỉ dùng một sư đoàn tập kích Grodno, hai sư đoàn còn lại vượt sông Neman ở Druskeniky (Druskininkai) và Goza (Hoza) tấn công đến Poleche, Shuchin (Shchuchyn) và Ozery (Aziory), đánh vào phía sau chủ lực của tập đoàn quân 3 (Liên Xô).

Ở cánh Giữa, tập đoàn quân 4 Đức tấn công cầm chừng tập đoàn 10 Xô viết. Các quân đoàn bộ binh 7 và 9 tổ chức hai mũi tấn công hợp điểm tại Bransk và Bensk; quân đoàn bộ binh 43 (Tập đoàn quân 4) vượt sông Tây Bug tấn công vào Vysokoie và Gainovo, giam chân các sư đoàn 49, 86 và 113 của quân đội Liên Xô trên khu vực giáp biên giới.

Tại cánh Nam, tập đoàn quân xe tăng 2 của Đức cũng tạo 2 cửa mở ở 2 bên sườn Brest. Trên hướng Brest - Kobryn, quân đoàn bộ binh 12 (Tập đoàn quân 4) tấn công trực diện vào pháo đài và thị trấn Brest, quân đoàn xe tăng 24 (Tập đoàn quân xe tăng 2) vòng qua phía Nam Brest đánh chiếm Zhabinka và Kobryn, quân đoàn xe tăng 47 (Tập đoàn quân xe tăng 2) tấn công theo hướng Pruzhany, vây bọc quân đoàn bộ binh 28 (Liên Xô). Phía sau các đơn vị chủ lực này là quân đoàn bộ binh 13 (thuộc tập đoàn quân 4) và quân đoàn xe tăng 46 (thuộc tập đoàn quân xe tăng 2) được các tướng Ludwig Kübler và Heinz Guderian giữ lại trong lực lượng dự bị để chuẩn bị cho làn sóng tấn công tiếp theo. Các trận phòng ngự kịch liệt của một đơn vị nhỏ quân đội Liên Xô trước những lực lượng mạnh gấp nhiều lần của quân Đức tại pháo đài Brest đã diễn ra liên tục suốt tuần đầu của cuộc chiến tranh.

Đêm 22 tháng 6, I. V. Stalin thông qua bản Chỉ thị số 3 của Bộ dân ủy quốc phòng Liên Xô yêu cầu tất cả các Phương diện quân phải tổ chức phản kích vào ngày hôm sau để đẩy lui quân Đức ra khỏi biên giới. Một số tham mưu trưởng phương diện quân và cả Tổng tham mưu trưởng G. K. Zhukov cho rằng kế hoạch phản kích khó có thể thực hiện được khi chưa nắm chắc được tình hình hai bên nhưng I. V. Stalin vẫn giữ nguyên mệnh lệnh yêu cầu phản công ngay vào ngày 23 tháng 6.[11]

Ngày 23 tháng 6

Xe tăng Đức bị bắn hạ gần Kaunas, 1941

Sau trận đánh xe tăng ở Alytus, Quân đoàn xe tăng 39 (Tập đoàn quân xe tăng 3, Đức) chiếm được các cây cầu qua sông Neman ở Alytus, tổ chức vượt sông và tiếp tục tấn công lao nhanh về phía Vilnius, buộc tập đoàn quân 11 (Liên Xô) phải lùi theo hướng Đông Bắc và do đó cắt rời Phương diện quân Tây Bắc khỏi Phương diện quân Tây. Quân đoàn xe tăng 57 (Tập đoàn quân xe tăng 3) phối hợp với quân đoàn bộ binh 5 (Tập đoàn quân 9) cũng nhanh chóng chiếm cây cầu Merkine, vượt sông Neman và nhanh chóng chiếm Verena. Tại đây, quân đoàn bộ binh 5 (Tập đoàn quân 9, Đức) tiến về phía Lida gặp sự kháng cự của Xô viết và chưa chiếm được thành phố này; quân đoàn xe tăng 57 đã hội đủ quân lao nhanh lên hướng Bắc vượt qua Voronovo tới Traby và Oshmiani (Ashmyany).Các đơn vị của tập đoàn quân 9 cũng vòng qua Grodno đi xuống hướng Ostrina (Astryna) sau lưng tập đoàn quân 3 Xô viết.

Ở cánh Nam, sau khi để lại quân đoàn bộ binh 12 bao vây pháo đài Brest, tập đoàn quân 4 tiếp tục tiến công vào hậu cứ của Tập đoàn quân 10 (Liên Xô). Tập đoàn quân xe tăng 2 sau khi đánh tan Quân đoàn cơ giới 14 Xô viết tại 2 cửa mở đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô tới 60 km. Quân đoàn xe tăng 47 (Tập đoàn quân xe tăng 2) tiến công Ruzhany và hướng tới Slonim, nơi có căn cứ của quân đoàn cơ giới 17 (Liên Xô); Quân đoàn xe tăng 24 (Tập đoàn quân xe tăng 2) tiến đánh Bereza (Biaroza) và hướng tới Ivatsevichi (Ivatsevichy). Hợp điểm chung của hai tập đoàn quân xe tăng 2 và 3 được dự kiến tại Baranovichi, tạo thành vòng vây của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đối với chủ lực Phương diện quân Tây (Liên Xô) trong "cái túi" Białystok.

Ngày 24 tháng 6

Xe tăng hạng nhẹ T-26 của Liên Xô bị quân Đức phá huỷ trong trận phản công gần Grodno

Các đơn vị xe tăng Đức đạt tốc độ tiến quân kỷ lục, có những đơn vị tiến tới 80 km trong ngày.Tại cánh Bắc, tập đoàn quân xe tăng Đức số 3 không vòng xuống hợp vây tại Baranovichi mà tập trung quân tiến nhanh đánh chiếm Molodechno và chỉ còn cách Minsk 50 km về hướng bắc. Tại cánh Nam, tập đoàn quân xe tăng Đức số 2 chiếm Slonim, Ivatsevichi tiến sát Baranovichi, đồng thời một đơn vị tiến lên phía bắc chiếm Zelva và gần như gặp được các đơn vị của tập đoàn quân 9 để tạo vòng vây thứ nhất:"cái túi" Białystok'.

Các tập đoàn quân 3 và 4 (Liên Xô) rút lui vô tổ chức khỏi các khu vực Grodno và Brest đã đẩy tập đoàn quân 10 của thiếu tướng K. D. Golubev vào tình thế nguy hiểm. Do không bị quân Đức uy hiếp mạnh, tập đoàn quân này vẫn dựa vào khu tam giác Osovet - Chervony Bor - Białystok để chiến đấu. Trong khi đại tướng D. G. Pavlov không thể nắm được tình hình thì trung tướng I. V. Boldin, phó tư lệnh đã nhận ra lỗ hổng nghiêm trọng trên cánh bắc của Phương diện quân. Ông đã tập trung một cụm kỵ binh cơ giới gồm các quân đoàn cơ giới 6, 11 và quân đoàn kỵ binh 6 tổ chức phản công. Cụm kỵ binh cơ giới gồm các quân đoàn kỵ binh 6 và cơ giới 6 xuất phát từ Sokolka, quân đoàn cơ giới 11 tấn công từ Skydel (Skidzyel) và Indura theo hướng hợp điểm đến khu vực tam giác phòng thủ Lipsk - Sopotskin - Grodno nhằm chiếm lại Grodno, bịt lỗ thủng trên cánh bắc, đẩy lùi quân đoàn 9 (Đức) và cô lập 3 quân đoàn Đức đã lọt vào lãnh thổ Liên Xô. Mặc dù đã tránh được hai mũi xe tăng mạnh của các quân đoàn xe tăng 39 và 57 (Tập đoàn quân xe tăng 3) nhưng cuộc phản công đã gặp phải sự ngăn chặn quyết liệt của không quân Đức. Các binh đội xe tăng của Liên Xô không được tập trung đầy đủ, chiến đấu phân tán và nhanh chóng bị đẩy lùi.[12]

Trong trận phản công này, chỉ có Quân đoàn cơ giới 11 do thiếu tướng D. K. Mostovenko hoạt động có hiệu quả. Quân đoàn cơ giới 6 do thiếu tướng M. G. Khaskilevich chuyển quân chậm nên không tập trung đủ ba sư đoàn và tiếp cận chiến trường chậm. Quân đoàn kỵ binh 6 của thiếu tướng I. S. Nikitin luôn bị không quân Đức oanh kích trên đường hành quân nên sức chiến đấu giảm sút nghiêm trọng. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng khi Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) điều động trở lại khu vực Grodno Sư đoàn xe tăng 12, Sư đoàn cơ giới 18 và Sư đoàn xe tăng 1 của Tập đoàn quân 9 thì tình thế chiến trường đã đảo ngược. Kiệt sức sau các đòn không tập của máy bay Đức, các quân đoàn cơ giới Liên Xô phải rút lui và phải bỏ lại nhiều xe tăng vì cạn sạch nhiên liệu, lính xe tăng phải chiến đấu như bộ binh và chịu thương vong lớn. Các tướng M. G. Khaskilevich, chỉ huy Quân đoàn cơ giới 6 và I. S. Nikitin, chỉ huy Quân đoàn kỵ binh 6 đều tử trận. Mặc dù thất bại nhưng cuộc phản kích này đã giúp một số đơn vị Quân đội Liên Xô rút được ra khỏi vòng vây.[13]

Ngày 25 tháng 6

Các đơn vị của tập đoàn quân xe tăng Đức số 3 đã tập trung xong và dàn trận chuẩn bị ào ạt tiến đánh Minsk từ phía bắc.Tại cánh Nam, tập đoàn quân xe tăng 2 của Đức tiến đánh Baranovichi. Điều đáng buồn là tại đây đơn vị bảo vệ là quân đoàn xe tăng 17 mới thành lập, nhiều đơn vị còn không có xe tăng nào nên sự kháng cự bị đập tan ngay.

Chiều ngày 25 tháng 6 năm 1941, khi quân đoàn xe tăng 47 (Tập đoàn quân xe tăng 2, Đức) đã chọc mũi dùi thép vào Slonim, phía sau Volkovysk và quân đoàn xe tăng 24 (Tập đoàn quân xe tăng 2) đã đến khu vực phụ cận Baranovichi thì Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô mới nhận ra nguy cơ bị vây và chỉ thị cho đại tướng D. G. Pavlov hạ lệnh rút các tập đoàn quân 3, 10 và một phần tập đoàn quân 4 khỏi chỗ lồi Białystok về phía tuyến Lida - Slonim - Pinsk để tránh bị bao vây. Nhưng cũng như mệnh lệnh phản công số 3 đêm 22 tháng 6, đây cũng là một mệnh lệnh không thể thực hiện được. Vì ở phía Bắc, tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) đã đến Lida và đang triển khai tấn công Novogrudoc lúc này do quân đoàn bộ binh 21 phòng thủ, quân đoàn bộ binh 8 (Đức) đã đến Shuchin và Mosty. Các tập đoàn quân 3, 4 và 10 đã bị bao vây, chia cắt. Phần lớn các lực lượng Hồng quân đã không thể thoát vây, và những đơn vị thoát được đều phải chạy bộ vì không đủ nhiên liệu cho các phương tiện cơ giới hoạt động. Hành động rút lui này đã để hở một con đường tiếp cận khu vực phía Nam Minsk.

Chiến sự tại khu vực Minsk

Ngày 26 tháng 6

Diễn biến chiến sự tại khu vực Minsk trong tuần thứ hai của chiến dịch

Tại cánh bắc, các đơn vị đi đầu của quân đoàn xe tăng 39 thuộc tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) đã tiếp cận khu phòng thủ Minsk và bắt đầu đụng độ với các sư đoàn 17 và 37 thuộc Quân đoàn bộ binh 21 (Liên Xô) do thiếu tướng V. D. Yuskevich chỉ huy. Ở phía Bắc, các sư đoàn bộ binh 24 (Quân đoàn 21) và 50 (Tập đoàn quân 13) cố gắng mở các cuộc tấn công chặn kích vào hai bên sườn quân đoàn xe tăng 57 (Tập đoàn quân xe tăng 3, Đức) nhưng vẫn bị quân đoàn này tràn qua. Quân đoàn cơ giới 39 sau khi chiếm Vilnius đã lao về phía Minsk, đánh bật Sư đoàn bộ binh 50 (Liên Xô) khỏi Molodechno và truy kích họ đến tận Vileyka. Để tăng cường binh lực cho khu phòng thủ Minsk, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô phải điều động các sư đoàn khinh binh 100 và 161 đến thành phố. Trong ngày, không quân Đức tổ chức ném bom liên tục vào thành phố. Hàng nghìn thường dân chết. Gần như cả thành phố Minsk bốc cháy.

Tại cánh Nam, sau khi chiếm Baranovichi, Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) tiếp tục tiến lên. Quân đoàn 47 lần lượt chiếm Necvic (Niasviz), Uzda và tiến về phía nam Minsk. Quân đoàn 24 chiếm Slusk và hướng về Bobruisk.

Đêm 26 tháng 6, Tổng tư lệnh I. V. Stalin triệu tập đại tướng G. K. Zhukov từ mặt trận Tây Nam về Moskva dự phiên họp của Đại bản doanh cùng S. M. Timosenko và N. F. Vatutin. Sau 40 phút thu thập thông tin, G. K. Zhukov không hề giấu diếm đã nói thẳng tình hình nguy ngập của Phương diện quân Tây. Số quân còn lại của các tập đoàn quân 3 và 10 mặc dù kìm chân được một lực lượng đáng kể của quân Đức nhưng đã bị bao vây với ưu thế lực lượng hoàn toàn thuộc về đối phương. Tập đoàn quân 4 rút vào khu rừng Pripiat với tình trạng các binh đoàn bị thiệt hại nghiêm trọng trong các trận đánh, trên thực tế đã bị xé lẻ để rút từ Doksina (Zhodzina) qua Smolevichi (Smalyavichy), Slusk, Pinsk về tuyến sông Berezina. Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) đang rượt theo họ. Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô quyết định thành lập Phương diện quân Dự bị gồm các tập đoàn quân 13, 19, 20, 21, 22 và bố trí nó dọc theo sông Berezina từ Bắc Dvina qua Polotsk, Vitebsk, Orsha, Mogilev đến Mozyr.

Ngày 27 tháng 6

Quân đoàn xe tăng 39 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 3 của tướng Hermann Hoth được sự yểm hộ từ trên không của Tập đoàn quân không quân 2 đã chiếm ưu thế tuyệt đối và buộc Quân đoàn cơ giới 11 của Phương diện quân Tây phải vừa đánh, vừa lùi dọc theo bờ trái sông Niemen. Cuối cùng, Quân đoàn cơ giới 11 (Liên Xô) lọt vào vòng vây tại Novogrudok.[14] Trong số 32.000 quân và 305 xe tăng tham chiến, chỉ có 600 người và 30 xe tăng thoát khỏi vòng vây. Một phần lớn vũ khi nặng của Hồng quân đã bị họ tự phá hủy do không đủ nhiên liệu và đạn dược để tiếp tục hoạt động.[15]. Quân đoàn 47 Đức được sự yểm hộ của không quân vượt qua Radoshkovichi (Radaskovicy) tiến đánh ác liệt Minsk. Tại cánh nam, Quân đoàn 57 của Tập đoàn quân xe tăng 3 tiến rất nhanh về phía Minsk.

Đến trưa 27 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 57 (thuộc Tập đoàn quân xe tăng 3 của tướng Hermann Hoth) và Quân đoàn xe tăng 47 (thuộc tập đoàn quân xe tăng 2 của tướng Heinz Guderian) đã gặp nhau ở phía Đông Minsk và hình thành vòng vây lớn thứ 2. Các xe tăng Đức đã tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô 321 km, bằng khoảng 1/3 cự ly từ biên giới đến thủ đô Moskva. Quân đoàn 24 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 2 dượt đuổi các đơn vị còn lại của Tập đoàn quân 4 (Liên Xô) về phía Bobruisk.

Kể từ ngày đầu chiến tranh, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô hoàn toàn mất liên lạc với đại tướng D. G. Pavlov, tư lệnh Phương diện quân Tây và nguyên soái G. I. Kulich, đại diện đại bản doanh tại Phương diện quân. Trong một cố gắng liên lạc với Bộ tham mưu Phương diện quân Tây bằng máy vô tuyến điện "Bodo", đại tướng G. K. Zhukov, tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô đã chỉ rõ cho thiếu tướng V. E. Klimovsskic, tham mưu trưởng Phương diện quân về điểm yếu hiện nay của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) là các đơn vị xe tăng đã vượt lên trước rất xa và bỏ lại bộ binh ở phía sau. Nếu tập hợp được các đơn vị xe tăng lại, tránh đòn trực diện và tập trung đánh vào các tập đoàn quân bộ binh (Đức) ở phía sau thì sẽ cải thiện được tình hình, buộc các quân đoàn xe tăng Đức phải dừng lại để đối phó. Tuy nhiên, các chỉ huy của Phương diện quân Tây đã không làm được điều đó.[16]

Ngày 28 tháng 6

Ngày 28 tháng 6, quân Đức lần lượt đánh chiếm Volkovysk, Slonim, Zelva và Ruzhany, cắt đứt các đường rút quân của các tập đoàn quân 3 và tập đoàn quân 10 (Liên Xô). Cuối ngày 28 tháng 8, các tập đoàn quân 4 và 9 (Đức) cũng đã gặp nhau ở phía Tây Białystok, chia khối quân Liên Xô bị bao vây thành hai phần: "cái túi nhỏ" ở Białystok bao gồm phần còn lại của Tập đoàn quân 10 và "cái túi lớn" ở Novogrudok bao gồm Tập đoàn quân 3, một phần Tập đoàn quân 4 và Quân đoàn cơ giới 13 của Tập đoàn quân 13. Các quân đoàn xe tăng 47 (Tập đoàn quân xe tăng 2, Đức) và 57 (Tập đoàn quân xe tăng 3, Đức) đã đến trước cửa ngõ Minsk. Quân đoàn xe tăng 24 (Tập đoàn quân xe tăng 2) uy hiếp Bobruisk và chặn đứng quân đoàn đổ bộ đường không 4 ở Đông Nam Minsk. Nắm được tình hình nguy kịch, đêm 28 tháng 6, G. K. Zhukov lại yêu cầu tham mưu trưởng Phương diện quân Tây phải bịt kín các khu vực Logoisk, Zembin, Pleselista (Pliescanicy) để ngăn không cho quân Đức đánh vòng qua phía Bắc thành phố và chiếm Borisov. Một lần nữa, Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây lại không thực hiện được nhiệm vụ này. Các cuộc phản đột kích của hai sư đoàn khinh binh 100 và 161 đã không ngăn cản được việc Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) đánh chiếm Ostroshisky (Astrosycy) và Smolevichi. Các quân đoàn bộ binh 44 và 21 đang phòng thủ Minsk lại có nguy cơ bị bao vây. Đến tối 28 tháng 6, họ buộc phải rút khỏi thành phố về hướng Đông Nam và đến được tuyến phòng thủ của Tập đoàn quân 22 đang bố trí tại khu vực Smilovichi (Smilavichy) - Cherven (Cervien). Mặc dù bị vây nhưng các đơn vị Liên Xô vẫn tiếp tục chiến đấu và ghìm chặt tập đoàn quân 4 (Đức) vừa được tăng cường sư đoàn xe tăng 10 với nhiệm vụ bao vây bên trong "cái túi" Białystok. Tướng Franz Halder, tổng tham mưu trưởng lục quân Đức đã viết cho tướng Otto, Tổng thanh tra quân đội Đức Quốc xã:

Các cuộc kháng cự ngoan cường của người Nga buộc chúng tôi phải áp dụng tất cả các biện pháp để chiến đấu ngoài các quy tắc quân sự thông thường. Tại Ba Lan và ở phương Tây, chúng tôi có thể đủ khả năng tự do nhất định và hành động theo các nguyên tắc luật pháp, nhưng bây giờ thì không thể chấp nhận hành động như vậy.
— Franz Halder, [17][18]

Ngày 29 tháng 6

Thành phố Minsk, thủ đô của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Belorussia rơi vào tay quân Đức. Quân đội Liên Xô cũng tổ chức một đợt phá vây thứ hai do Quân đoàn cơ giới 20Quân đoàn đổ bộ đường không 4 thực hiện. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng thất bại và đến ngày 30 tháng 6 vòng vây đã khép chặt hoàn toàn trên hai khu vực Białystok và Navahrudok. Lúc này, 11 sư đoàn thuộc các tập đoàn quân 3, 10 và một phần tập đoàn quân 4 (Liên Xô) đã nằm trọn trong vòng vây của quân Đức, trong khi đó phần còn lại của tập đoàn quân 4 rút về sông Berezina, một bộ phận các tập đoàn quân 3 và 10 rút lên hướng Tây Bắc đến khu vực Vitebsk - Lepel (Lepiel).[19]

Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 6, Bộ Tổng tư lệnh quân đội Liên Xô mới liên lạc được với đại tướng D. G. Pavlov, tư lệnh Phương diện quân Tây. Đích thân Tổng tham mưu trưởng G. K. Zhukov nói chuyện với ông qua máy liên lạc vô tuyến "Bodo". Khi G. K. Zhukov thông báo tin do quân Đức truyền qua radio rằng đã bao vây hai tập đoàn quân Liên Xô tại phía Đông Białystok, D. G. Pavlov thừa nhận sự thật này. Ông cũng cho biết rằng Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây cũng không liên lạc được với tập đoàn quân 4 và các quân đoàn còn lại đang rút lui. Ngày 30 tháng 6, các chỉ huy chủ chốt của Phương diện quân Tây bị I. V. Stalin ra lệnh triệu hồi về Moskva. Phương diện quân Dự bị được thành lập ngày 26 tháng 6 chuyển thành Phương diện quân Tây do nguyên soái S. M. Timoshenko chỉ huy và thu nạp tất cả quân số còn lại của các tập đoàn quân đã rút ra khỏi vòng vây của quân Đức.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Białystok–Minsk http://www.idiot.vitebsk.net/i40/mart41_1_2.htm http://poisk.slonim.org http://il2.is74.ru/airwar/militera-mirror/memo/rus... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_06.html http://militera.lib.ru/memo/russian/ivanov_sp/inde... http://militera.lib.ru/research/meltyukhov/12.html http://liniastalina.narod.ru/str/main.htm http://www.soldat.ru/doc/casualties/book/ http://www.warheroes.ru/hero/hero.asp?Hero_id=1000 http://www.theeasternfront.co.uk/Battles/bialystok...